Header Ads

test

Hackintosh OS X Mavericks 10.9.0 Niresh (không cần máy Mac, không cần máy ảo)

Nếu bạn muốn sử dụng hay trải nghiệm Mac OS mà không đủ tiền mua máy tính MAC do giá bình thường của các máy MAC khá cao thì bạn có thể nghĩ đến việc sử dụng các bản MacOS Hackintosh.

Hackintosh là gì ?
Apple tạo ra Mac OS chỉ chạy được trên các máy MAC. Và nếu bạn có mang các đĩa cài đặt MAC lên các máy tính khác không phải của Apple thì cũng không cài đặt được. Không giống như HĐH Windows hay Linux, HĐH Mac yêu cầu các phần cứng chuyên biệt riêng để có thể chạy được MacOS.
Hackintosh chính là cách để bỏ qua các giới hạn đó và làm tương thích các phần cứng để có thể chạy được Mac OS bằng các phần mềm phụ trợ kèm theo. Việc này giúp cho Mac OS hiểu được và làm việc tốt với nhiều phần cứng hơn. Hackintosh hoàn toàn không liên quan đến vấn đề hack hay crack. Nếu bạn thích cách chạy của MAC, hoặc thích thiết kế trên môi trường MAC hơn Windows mà không phải bỏ ra khoảng 1200$-2000$ để mua máy MAC thì Hackintosh chính là giải pháp giúp cho bạn.
Hiện tại tính đến thời điểm mình viết bài này thì phiên bản mới nhất của MAC OS đang là Mavericks 10.9.1 và sắp sửa ra bản 10.9.2 (chủ yếu là cập nhật và fix lỗi cho các bản trước).
Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt MAC OS từng bước thông qua bản cài đặt Niresh 10.9.0 mà mình thấy ổn định và ưng ý nhất.
Sự khác nhau giữa Unibeast và Niresh
Niresh là một đĩa cài đặt, hay nói khác hơn là một đĩa cài đặt của MAC OS đã được sửa đổi để có thể chạy tương thích trên PC. Ngoài ra cũng phải kể đến một cái tên nữa đó là Unibeast, nhưng Unibeast yêu cầu phải có bản cài đặt MAC OS gốc download từ Appstore của Apple về để tiến hành sửa đổi. Nhưng cá nhân mình thấy sử dụng Unibeast để tạo bản cài đặt sau đó cài đặt thường chạy không ổn định và hay gặp lỗi panic hoặc kernal.
Không giống như các phiên bản trước của MacOS thì từ bản Mavericks, Apple cung cấp miễn phí và có thể download ở Apptore một cách bình thường, mình còn nhớ bản Mac OS Mountain Lion 10.8 mình mua mất khoảng 20$ để có thể tải về nâng cấp hoặc cài đặt. Chính vì điều này nếu các bạn sử dụng Unibeast để tạo không còn phải lo lắng về vấn đề phải mua nữa. Nhưng hãy so sánh một vài điểm dưới đây để thấy sự khác nhau khi sử dụng Unibeast và Niresh.
  • Bạn không cần phải có máy MAC: Unibeast là một app chạy trên MAC, chính vì thế để có thể tạo được đĩa cài đặt MacOS thì bạn phải có máy đang chạy MacOS hoặc MacOS chạy trên Virtual Machine và phải có bản cài đặt gốc của MacOS để tiến hành việc thay đổi và tạo đĩa cài đặt. Còn Niresh không cần phải chạy trên MacOS để tạo mà bạn có thể chạy ngay trên Windows cũng được.
  • Cài đặt ban đầu dễ hơn: Mặc định thì Niresh tự cài đặt các driver hoặc kext chuyên biệt luôn sau khi cài đặt MacOS thành công. Còn Unibeast thì yêu cầu bạn phải tự cài đặt sau và dùng MultiBeast để chọn các driver hoặc kext để cài đặt. Cũng có đôi khi bạn cài đặt bằng Niresh nếu không tự nhận đầy đủ driver bạn vẫn cần phải dùng MultiBeast để cài thêm các driver hoặc Kext cho máy mình.
  • Bạn có thể cài đặt trên ổ cứng đã cài đặt Windows: Mặc định thì MacOS sẽ không cài đặt được trên ổ cứng đã định dạng cài đặt Windows. Chính vì thế mà nếu ổ cứng đang có HĐH Windows thì sẽ không cài đặt được MacOS. Nhưng nếu bạn vẫn muốn cài đặt MacOS thì dùng Unibeast tạo bộ cài đặt rồi chỉnh sửa MBR trên file cài thủ công, còn nếu dùng Niresh sẽ làm tự động điều này cho bạn.
  • Niresh hỗ trợ AMD CPU: Mặc định thì chip xử lý AMD không được hỗ trợ trên MacOS, tuy nhiên Niresh có chứa một vài chỉnh sửa cho phép chip AMD có thể hỗ trợ trên MacOS.

Yêu cầu ban đầu:
  • Một HĐH Windows/Mac/Hackintosh có sẵn: Mục đích là để download và thiết lập Niresh. Máy tính này có thể chạy MacOS hoặc Windows đều được.
  • Một ổ đĩa trống: Ổ đĩa này sẽ dùng để cài đặt OS X Mavericks. Trong trường hợp bạn đã cài đặt OS X thì Niresh sẽ chỉ update bản cài đặt trước một cách bình thường mà không làm mất file hoặc app đã có. Tuy nhiên không phải máy tính nào cũng có thể chạy được Hackintosh nên bạn cần kiểm tra cấu hình máy tính của bạn có thể cài đặt được hay không. Cấu hình các máy tính cơ bản mình sẽ viết ở bài sau :”> Nhưng cơ bản là đều có thể chạy được, yêu cầu dung lượng tối thiểu của ổ cứng là 10GB nhưng nếu tốt nhất thì nên là 50GB cho thoải mái. Thông thường khuyên bạn nên dùng một ổ cứng trống hoàn toàn nhưng nếu bạn đã cài đặt Windows trên ổ cứng thì có thể tham khảo trong bài viết tiếp theo của mình để có thể cài đặt được MacOS trơn tru.
  • Niresh 10.9: Bộ cài đặt MacOS, dùng các chương trình torrent để download.
  • Chuẩn bị USB 6GB hoặc cao hơn: Thường thì USB 8GB dùng để ghi bộ cài đặt vào USB này. Sau khi ghi bộ cài đặt xong thì USB này sẽ được dùng boot vào máy tính để tiến hành cài đặt MacOS
  • Win32 Disk Imager (Miễn phí): Nếu bạn đang sử dụng Windows để tạo bộ cài đặt thì bạn có thể tải Win32 Disk Imager để có thể ghi bộ cài đặt vào USB trên Windows.
  • Multibeast (Miễn phí): MultiBeast là bộ cài đặt bao gồm các file kext giúp cho MacOS nhận được phần cứng và hoạt động tốt hơn.
Download tất cả tại đây.
1a. Tạo bộ cài đặt Niresh USB trên MAC
Hãy làm theo từng bước để tạo bộ cài đặt Niresh trên MAC. Đầu tiên chúng ta gắn USB vào máy tính, tiếp tục vào Launcher mở Disk Utility (hoặc trong Applications->Utilities). Ở bên trái của Disk Utility chúng ta chọn USB vừa gắn vào và tiến hành Erase USB này. Bạn có thể đổi tên hoặc format usb tùy ý.

Tiếp theo mở file Niresh mà ta đã download torrent về bằng cách nhấp đúp chuột vào file đó, thường thì file download về tên là OSX-Mavericks.dmg, sau đó vào launcher mở Terminal lên (Applications->Utilities) và gõ vào dòng lệnh sau:
diskutil list
Sau khi gõ xong nhấn Enter hoặc Return, lệnh bên trên mục đích là liệt kê tất cả các ổ đĩa có trong MacOS, bao gồm cả USB vừa gắn vào. Mỗi ổ đĩa được đặt tên theo thứ tự như disk0, disk1, disk2…Trong hình bên dưới thì USB với tên là “PIZZA” được xác định là disk3. Hãy nhớ số xác định này để dùng cho thao tác bên dưới đây.
Tiếp tục gõ đoạn lệnh sau:
diskutil unmountdisk /dev/disk3
sudo dd if="vị trí của file niresh đã download về" of=/dev/rdisk3 bs=1m


Lưu ý: Dòng đầu tiên vì USB của mình là disk3 nên mình điền là disk3 còn các bạn khác thì thay thế tương ứng nhé. Dòng thứ 2 vị trí file niresh download về trong hình trên nằm trong thư mục Downloads trên ổ đĩa tên là Kitten vì thế mình sẽ thay thế là “if=/Volumes/Kitten/Downloads/OSX-Mavericks.dmg” ngoài ra với tên usb thì các bạn đừng quên thêm chữ “r” vào trước nhé ví dụ rdisk3
Sau khi nhấn Enter/Return thì Terminal sẽ hỏi mật khẩu quản trị hiện tại của bạn, hãy nhập mật khẩu vào và nhấn Enter/Return tiếp. Đoạn lệnh sẽ bắt đầu quá trình ghi Niresh vào USB cho bạn một cách tự động. Thường thì sẽ mất khoảng 10-15 phút có thể lâu hơn tùy thuộc vào tốc độ ghi trên USB của bạn. Bạn sẽ có cảm giác Terminal của bạn bị treo, không sao vì terminal đang làm việc, sau khi xong quá trình này thì usb của bạn đã có thể boot trên máy tính rồi và có thể dùng để cài đặt.
1b. Tạo bộ cài đặt Niresh USB trên Windows
Cũng giống như trên MAC, bạn hãy gắn USB của mình vào, và tiếp tục vào Disk Management (trong Administration Tools hoặc nhấn chuột phải vào My Computer chọn Manage hoặc cũng có thể vào Start Menu gõ partition và chọn Create and Format hard drive partitions)
Sau đó bạn sẽ thấy danh sách các ổ đĩa có trên máy tính của mình và hãy nhấn chuột phải vào tên ổ đĩa USB của bạn chọn Format, Windows sẽ tiến hành xóa dữ liệu trên USB để chuẩn bị ghi bộ cài đặt vào.
Tiếp theo chúng ta mở Win32 Disk Imager download ở phần yêu cầu bên trên ra, click vào biểu tượng mở file màu xanh và hộp thoại chọn file hiện ra, ta tiến hành chọn file Niresh download torrent bên trên được về. File tên là OSX-Mavericks.dmg bạn chỉ có thể thấy khi ở phần Files of type chọn*.*
Tiếp theo bạn chọn USB của bạn trong mục Device và nhấn vào Write
Chương trình sẽ tiến hành ghi file Niresh vào USB của bạn và hãy chờ cho đến khi nào ghi file thành công.
2. Chuẩn bị PC của bạn
Dưới đây là một vài thiết lập cần thiết để có thể chạy MacOS một cách ổn định
  • Gỡ toàn bộ các USB khác ra khỏi máy tính (trừ bàn phím và chuột) một vài usb bị lỗi sẽ khiến cho việc boot máy tính lỗi không thể load được.
  • Nếu có thể hãy tháo các đĩa cứng mà bạn không tính cài đặt MacOS ra (đơn giản là tháo cáp Sata ra khỏi ổ cứng)
  • Nếu có thể hãy kết nối máy tính với màn hình bằng cáp DVI, một số trường hợp quá trình cài đặt MacOS gặp lỗi với cáp HDMI hoặc VGA

3. Thiết lập thông số BIOS
Hãy vào phần quản lý BIOS của bạn và điều chỉnh một vài thiết lập dưới đây, chỉ dành cho các mainboard chưa hỗ trợ UEFI
  • Đầu tiên hãy load lại các thiết lập cơ bản của BIOS bằng cách Load Optimized Defaults

  • Boot Device: đổi thành USB-HDD, thiết lập bắt buộc để có thể chạy được Niresh, sau khi cài đặt xong bạn có thể thay đổi lại thiết lập ban đầu
  • HPET: đổi thành 64-bit

  • SATA Control Mode: máy tính của bạn có thể tên khác, thiết lập mặc định có thể là SATA, Raid hay IDE hãy chuyển thành AHCI, MacOS chỉ chạy với AHCI.

4. Boot cài đặt Niresh
Gắn USB vào và khởi động lại máy, nếu máy tính của bạn có thể boot được bằng USB thì bạn sẽ nhìn thấy như hình bên dưới
Nhấn Enter để lựa chọn cài đặt Niresh, bạn sẽ chờ một lúc để Niresh load lên, nếu bạn đang sử dụng chip AMD thì ở màn hình bên trên gõ thêm “amd” hoặc “amd64” hoặc nếu chip AMD của bạn hỗ trợ FX thì gõ “amdfx” rồi nhấn Enter
 Trong một vài trường hợp sau khi bạn nhấn Enter mà không thấy màn hình như bên trên (đen hoặc bị treo cứng) thì có thể máy tính của bạn không tương thích với cấu hình mặc định vì thế bạn cần phải gõ thêm một vài tham số (hãy thử cho đến khi máy tính của bạn vào được như hình trên)

  • -v
  • -x
  • -F
  • -f
  • UseKernelCache=Yes
  • PCIRootUID=1
  • GraphicsEnabler=No
  • IGPEnabler=Yes
  • darkwake=0
  • npci=0×2000 hoặc npci=3×2000
  • dart=0
  • cpus=1
  • busratio=20
  • arch=i386
  • arch=x86_64
  • -legacy
  • -force64
  • -nossse3bit
  • mach_kernel

Ba tham số thông dụng là PCIRootUID=0, -x và -f
5. Cài đặt Mavericks
Sau khi bạn đã vào được trình cài đặt, bạn sẽ thấy trang yêu cầu chọn ổ đĩa cài đặt Mac OS Mavericks

 
Nếu bạn chưa cài đặt MacOS lần nào thì các ổ cứng sẽ không mặc định cài đặt được, chính vì thế chúng ta sẽ dùng Disk Utility ở menu Utilities
Bạn cần phải dùng Disk Utility để xóa ổ cứng vì thế Mavericks mới có thể cài đặt được, ở bên cột trái bạn hãy chọn ổ đĩa mà bạn muốn cài đặt Mavericks và nhấn nút Erase ở khung bên phải. Lưu ý là ở mục Format: bạn hãy chọn là Mac OS Extended (Journaled)
Lưu ý: MacOS không thể boot trên ổ đĩa lớn hơn 1TB vì thế nếu bạn có ổ 2TB thì bạn phải chia ổ đĩa nhỏ hơn.
Sau khi xong hãy đóng Disk Utility lại và chọn ổ đĩa mà bạn vừa Erase xong và install. Ngoài ra nếu bạn còn đang lưỡng lự nên cài driver nào thì có thể nhấn vào nút Customizer để bật hộp thoại chọn driver để cài và sau đó nhấn install.
Nếu máy tính của bạn đã cài đặt MacOS thì trình cài đặt sẽ tự động update lên Mavericks
Quá trình cài đặt sẽ mất khoảng 30 phút hoặc nhanh hơn tùy vào máy tính của bạn.
6. Boot vào Mac OS X
Sau khi cài đặt xong, bạn hãy gỡ USB ra và khởi động lại. Bạn sẽ thấy màn hình lựa chọn MacOS, nếu không có gì cần thay đổi bạn chỉ việc chọn ổ đĩa và nhấn Enter
Sau khi boot xong bạn sẽ vào được HĐH Mac, trong trường hợp bạn không vào được thì có nghĩa máy tính của bạn chưa thực sự tương thích, bạn cần phải thêm các tham số vào màn hình boot như mình đã đề cập ở phía trên.
Còn nếu boot thành công khi vào Mavericks bạn sẽ thấy màn hình cài đặt và thiết lập username ban đầu cho hệ thống và màn hình tự thiết lập và cập nhật các driver cho hệ thống của bạn một cách tự động bởi Niresh
 Hãy đợi khoảng 5-6 phút để chương trình tự động thiết lập, sau khi thấy thông báo chương trình cài đặt hoàn tất thì bạn tiến hành khởi động lại máy tính của mình.
6. Multibeast
Multibeast là một chương trình bao gồm các driver kext như sound, internet, graphics… cho các máy hackintosh nhận biết và hoạt động tốt với các thiết bị phần cứng. Hầu hết các bản build Hackintosh đều đã chứa các driver cần thiết nhưng đôi khi không đủ thì bạn vẫn có thể dùng Multibeast để cài thêm.
Như ở bản Niresh sẽ nhận tương đối được sound và internet, graphics, nếu bạn vẫn còn thiếu thứ gì đó bạn có thể tìm và cài ở Multibeast
 Trên đây là toàn bộ quá trình chuẩn bị và cài đặt hoàn chỉnh một bản Hackintosh là Niresh mà mình cảm thấy ưng ý nhất và ổn định nhất từ trước đến nay, trong các bài sau mình sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt thông qua Unibeast hoặc Drive Image tự bung file ảnh. Nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì trong quá trình cài đặt hãy để lại comment bên dưới mình sẽ cố gắng trả lời các bạn trong khả năng có thể của mình.
Chúc các bạn may mắn và thành công ! 

Không có nhận xét nào