Đánh giá LG G2: Nhiều trải nghiệm hay và mới lạ
Thế giới Android với vô vàn các thiết bị khác nhau nhưng ít khi mình thật sự thích một chiếc máy nào. Trước đây mình thích Optimus G bởi tốc độ của máy nhanh hơn nhiều so với những máy cao cấp cùng thời. Và gần đây khi cầm chiếc G2, mình cũng rất thích bởi màn hình của máy quá đẹp, đẹp hơn hẳn so với hầu hết các máy Android hiện nay. Trong bài viết này mình sẽ đánh giá và chia sẻ một số cảm nhận về G2 và tại sao nói nó là một trong những chiếc điện thoại Android tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Thiết kế
Mình thích những máy vuông vức như Optimus G, nhưng với một máy có màn hình tới 5,2" thì có lẽ thiết kế vuông không còn phù hợp, do đó LG đã chuyển sang dùng kiểu bo tròn bốn cạnh và bốn góc để máy nằm nhẹ nhàng trong lòng bàn tay và không làm cho chúng ta cảm thấy như đang cầm một cục gạch.
Trong lúc xài G2, mình cùng lúc có được thêm nhiều máy khác như Note 3, Xperia Z1, HTC One, Lumia 1020 và cả Galaxy S4. Nếu chỉ xét về cảm giác cầm đã tay hay không thì mình đánh giá G2cao nhất. Phần khung viền 4 cạnh của máy tuy được làm bằng nhựa giống mặt sau nhưng nó mang lại ưu điểm là sẽ tạo cho người cầm một cảm giác đồng nhất từ mặt sau ra tới bốn cạnh bên. Trong khi đối với Galaxy S4 có khung viền giả kim loại, đường tiếp nối giữa phần mặt sau và phần khung được làm chưa tốt, chưa liền lạc nên khi cầm vào sẽ tạo ra cảm giác cấn tay ngay chỗ nối. Những máy còn lại như Z1 hay One thì bốn cạnh dưới được bo tròn chưa nhiều nên khi cầm cũng không thoải mái như G2.
Quay lại với chiếc G2, mặc dù vỏ máy được làm bằng nhựa nhưng cầm máy không hề ọp ẹp. Chiếc Optimus G Pro đời trước tuy mạnh nhưng mình không thích vì hình dáng và cảm giác cầm quá giống một máy Samsung. Còn G2 thì hoàn toàn khác, nhất là hai cái viền màn hình trái và phải quá mỏng, mỏng đến nỗi khi bật màn hình lên thì bạn sẽ quên mất mọi thứ xung quanh nó, không biết do vô tình hay cố ý mà mắt bạn sẽ chỉ tập trung vào mỗi màn hình đó mà thôi. Lý do tại sao thì mình sẽ nói rõ trong phần đánh giá màn hình ở dưới đây.
Bên cạnh đó, LG G2 cũng là chiếc điện thoại Android đầu tiên dám bỏ hết mọi phím cứng trên bốn cạnh viền, bao gồm phím nguồn và hai phím chỉnh âm lượng. Do đó khi sử dụng G2, bạn không cần băn khoăn phím nguồn nằm ở bên trái hay bên phải, có dễ bấm không, ngón tay ngắn có với tới không… Vì đơn giản một điều là khi cầm lên, phím nguồn sẽ gần như luôn luôn nằm ngay đầu ngón tay trỏ của bạn, cùng với hai phím volume. Ba phím này nằm sát cụm camera và rất dễ tiếp cận, cả với những người có bàn tay nhỏ.
Bí mật nhỏ của hai phím volume
Hai phím volume ngoài việc dùng để tăng giảm âm lượng còn có thêm hai chức năng nữa đó là: lúc máy đang ở trạng thái khóa (tắt màn hình), bạn nhấn và giữ phím tăng âm lượng khoảng 2 giây để mở ứng dụng vẽ/ghi chú của G2, còn phím giảm âm lượng thì dùng để mở camera. Sau khi mở camera thì bạn cũng có thể chụp hình bằng phím này luôn. Nghĩa là bạn hoàn toàn có thể mở camera và chụp hình ngay sau đó chỉ bằng một tay mà thôi.
– / 3
Thứ to nhất và nổi nhất khi nhìn vào G2 đó là màn hình. Ngoài hai cái viền hai bên, cạnh trên và dưới của máy cũng rất nhỏ, cho nên mặc dù 3 phím chức năng cơ bản được đặt nằm trên màn hình nhưng diện tích hiển thị vẫn rất lớn. Vỏ và toàn bộ mặt sau của máy làm bằng nhựa, mặt lưng được làm họa tiết đường kẻ xiên nhìn khá đẹp tuy nhiên chất liệu nhựa bóng lại quá rít, bám nhiều dấu vân tay nên cảm giác không được vệ sinh cho lắm.
Màn hình
Màn hình là thứ mình thích nhất của G2, màn hình rất đẹp, rất trong và nhìn rất nổi. Mọi thứ xuất hiện trên màn hình của máy đều rất tuyệt vời, font chữ mịn màng, màu sắc tươi tắn và chính xác.
Thứ nhất: màn hình nổi
Màn hình của máy không những to mà còn rất nổi lên phía trên. Có vẻ như tấm nền LCD của máy được đặt rất sát tấm kính cường lực Gorilla Glass 3 ở trên cùng, làm cho hình ảnh gần với mắt người hơn nên bạn sẽ thấy hình ảnh nổi lên trên khá nhiều. Không rõ LG có sử dụng công nghệ màn hình In-Cell hay không, một màn hình thông thường gồm có 3 lớp, lớp LCD bên dưới, trên là lớp cảm ứng và trên nữa, ngoài cùng là lớp kính cường lực. Công nghệ In-Cell sẽ bỏ bớt lớp cảm ứng chính giữa, tích hợp phần cảm ứng lên màn hình LCD luôn. Kết quả là máy sẽ mỏng hơn, màn hình nổi hơn và độ trong của hình ảnh cũng tăng lên do loại bỏ bớt được một tấm kính chính giữa.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa mà mình nghĩ nó cũng góp ích khá nhiều trong việc làm cho hình ảnh có độ nổi đó là độ cong của viền màn hình. Hai viền trái/phải được làm cong, mặc dù rất ít nhưng hiệu ứng ảnh sáng mà nó tạo ra cũng làm cho chúng ta thấy hình ảnh có vẻ cong lên.
Thật sự mà nói, cảm giác xem trên một màn hình nổi mang lại cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm tốt, ví dụ như hình ảnh và chữ viết giống như tràn ra cả bên ngoài màn hình, hoặc khi xem phim, mọi thứ như muốn vỡ tung ra khỏi cái giới hạn kích thước của máy, hiệu ứng gần giống với những màn hình 3D mặc dù màn hình G2 chỉ là 2D. LG cũng là một hãng làm điện thoại 3D rất tốt. Giả sử nếu G2 cũng có màn hình 3D thì cảm giác lúc đó mình nghĩ sẽ còn tuyệt vời hơn.
Hình ảnh trong trẻo
Tiếp nối Lumia 925, LG G2 chính là chiếc máy có màn hình tốt nhất nhì hiện nay. Máy sử dụng màn hình LCD với tấm nền IPS chất lượng cao, mặc dù màu trắng hơi ngả sang màu xanh nhưng các màu còn lại được hiển thị rất chính xác, độ bão hòa màu sắc cao, hình ảnh rất trong trẻo và lên được rất nhiều chi tiết của một tấm ảnh, nhìn rất thích mắt.
Với độ trong trẻo cao như thế, khi xem những tấm ảnh có liên quan đến nước ví dụ như chụp phong cảnh trời mưa hay mặt đường sau cơn mưa bạn sẽ thấy rất tuyệt vời, mọi thứ được phản chiếu rất đầy đủ và chi tiết, nhìn mát mắt.
Góc nhìn lớn
Với tấm nền IPS chất lượng cao, bạn có thể nhìn màn hình của máy từ các góc hẹp mà chất lượng ảnh, độ sáng và màu sắc gần như không bị thay đổi. Yếu tố này rất quan trọng trong lúc chúng ta nằm xem phim hoặc xem ảnh. Bạn có thể thoải mái nghiêng máy ở những tư thế khác nhau mà chất lượng hiển thị vẫn được giữ nguyên.
Camera
Một điểm mới trên camera của G2 mà không nhiều máy hiện nay có được đó là khả năng chống rung quang học (OIS) khi chụp ảnh và quay phim. Bạn có thể hiểu chống rung quang học đại loại là nguyên cái cụm camera phía sau có thể tự di chuyển và trôi theo các chiều tương ứng ngược với chiều chuyển động (run) của tay, từ đó giảm thiểu tình trạng khung hình bị rung lắc.
Trên G2, chức năng OIS hoạt động khá hiệu quả trong lúc chụp ảnh, còn khi quay phim thì không phát huy tác dụng mấy. OIS giúp bạn có được những bức ảnh rõ nét mặc dù tay hơi run nhẹ, nhớ là chỉ run nhẹ thôi nhé, nếu bạn cố tình run mạnh hơn thì hình vẫn sẽ bị mờ như thường. Dưới đây là tấm ảnh mình chụp lúc ngồi trong xe hơi tầm khoảng 6 giờ chiều, chụp qua cửa kính của xe trong khi đang chạy với vận tốc khoảng 60km/h.
Do giao diện chụp ảnh không có nhiều đổi mới nên mình sẽ đi thẳng vào yếu tố chất lượng ảnh. Nhìn tổng quan thì camera của G2 cho chất lượng ảnh khá tốt, đặc biệt là khi xem trên màn hình của máy, còn khi xem trên máy tính thì chất lượng có phần kém hơn.
Ở điều kiện đủ sáng, trời nhiều nắng, camera cho chất lượng ảnh rất tốt, chi tiết lên đều, hình ảnh mịn và có độ bão hòa màu sắc rất cao, hình ảnh sắc nét nhưng hơi thiếu tông màu tối nên ảnh có vẻ hơi dư sáng.
– / 9
Còn hôm nào trời thiếu nắng, nhiều mây thì hình ảnh trông mù mù, thiếu sắc màu tối và bắt đầu có hiện tượng mất chi tiết. Lúc trời nhiều mây, ánh sáng không được tốt nên máy bắt đầu quá trình xử lý hình ảnh để đảm bảo chất lượng sau cùng. Cụ thể là máy sẽ cố gắng khử noise (giảm nhiễu) khi ảnh thiếu sáng, do đó bức ảnh sau cùng bị làm mịn hơi quá tay, bề mặt của mọi thứ nhìn không còn được tự nhiên và tất nhiên là những chi tiết như họa tiết, vân bề mặt của đồ vật cũng sẽ bị bay mất do ảnh hưởng của quá trình làm mịn khử noise.
– / 8
Khi chụp ở những nơi cực kỳ tối, camera sẽ hoạt động chậm hơn, điều này là bình thường trên mọi chiếc camera phone. Ảnh sau khi chụp có độ sáng rất tốt, ảnh không bị mờ nhòe nhưng cũng bởi do quá trình xử lý ảnh nói trên mà hình không còn sắc nét nữa.
– / 3
Và giống như các máy trước đó của LG, hãng cũng trang bị cho G2 rất nhiều chế độ chụp ảnh giúp chúng ta vui vẻ hơn, ví dụ như tự động xóa mụn làm mịn da khi chụp chân dung hay chụp Dual Camera với hai máy ảnh trước/sau cùng lúc. Đáng tiếc là khi chụp Dual Camera, độ phân giải của ảnh bị giảm xuống còn có 1280x720, độ phân giải khi quay phim cũng tương tự chứ không được Full-HD.
– / 2
Giao diện - Hiệu năng
G2 chạy trên Android 4.2.2 với bộ giao diện tùy biến Optimus UI đặc trưng của các máy LG. Thường thì đối với một máy Android, nếu giao diện được hãng tùy biến quá nhiều thì sẽ dẫn đến hậu quả máy có tốc độ phản hồi chậm, không nhanh như giao diện Android gốc mà Google đưa ra. Tuy nhiên trên G2, bộ giao diện Optimus đã không đủ nặng để có thể làm khó con chip Snapdragon 800 mà LG trang bị cho máy. Ngay từ giây phút đầu tiên mình cầm G2 lên, mình thật sự bất ngờ về tốc độ mà nó mang lại. Trước giờ mình chưa thấy một máy Android nào sử dụng giao diện tùy biến mà lại chạy nhanh như vậy. Từ tốc độ thao tác đa màn hình, tốc độ phản hồi cho đến tốc độ mở ứng dụng đều rất nhanh.
Nếu bạn hỏi mình G2 có đủ mạnh để coi phim Full-HD không thì mình sẽ nói nó chơi được 4K luôn. Mình đã thử bỏ một file video có độ phân giải chuẩn 4K dài 1,5 phút, nặng 386 MB vào bộ nhớ trong của máy để chơi thử bằng trình xem video mặc định, G2 chơi tốt, không bị lỗi mặc dù đôi lúc để ý sẽ thấy máy có hơi giựt nhẹ nhưng rất ít, không đáng kể.
Thanh Notifications
Do ôm đồm quá nhiều chức năng mà thanh Notifications của máy được thiết kế rất dở, thiếu khoa học và làm mất quá nhiều không gian. Mặc dù độ phân giải của máy đạt Full-HD trên một màn hình 5,2" nhưng khi kéo thanh thông báo này xuống, chiếm hơn 50% diện tích màn hình lúc đó nào là thanh công tắc, thanh Mini Apps, thanh trượt chỉnh độ sáng rồi chỉnh âm thanh… Phần diện tích dùng để hiển thị các thông báo thực sự chỉ chiếm có khoảng phân nửa mà thôi. Mình không thích điều này vì nó làm mất đi bản chất vốn có là để thông báo các sự kiện có trong điện thoại.
Thay đổi font chữ
G2 là một trong số ít những máy hiện nay có khả năng thay đổi font chữ trên toàn hệ thống mà không cần phải làm gì thêm. Mặc định khi xuất xưởng, dòng máy Optimus của LG sử dụng loại font rất "Hàn Quốc", kiểu chữ cong cong vẹo vẹo nhìn thì có dễ thương thật nhưng khó mà dùng lâu được bởi nét chữ quá mảnh và khó đọc. Tuy nhiên, có lẽ LG cũng hiểu điều đó nên trong menu Settings của máy họ đã để sẵn 7 font chữ khác nhau để chúng ta thay đổi, kèm theo đó và các lựa chọn kích thước chữ từ nhỏ đến to. Thay đổi sẽ có áp dụng ngay tức thì mà bạn không cần phải khởi động lại máy.
Đổi icon và kích thước ứng dụng
Bạn cũng có thể thay đổi icon của từng ứng dụng mà không cần phải cài bộ Launcher khác. Chỉ cần nhấn và giữ ngón tay lên một ứng dụng ngoài Homescreen sau đó thả ra, góc phải của icon đó sẽ xuất hiện biểu tượng hình cây cọ, nhấn vào đó thì bạn có thể thay biểu tượng mới, thay đổi kích cỡ (từ 1x1 cho đến 5x5) và thậm chí là dùng chính hình ảnh có trong máy để làm hình cho icon.
– / 3
Kết quả benchmark giữa LG G2 với các máy cao cấp khác:
Pin
G2 được trang bị pin 3.000mAh dư dùng trong một ngày. Mình để push 1 hộp email, độ sáng màn hình 80%, Wi-Fi/3G bật liên tục, cả một ngày dài làm việc ở Vũng Tàu mình dùng 3G rất nhiều, ít khi có Wi-Fi, chụp hình khoảng 50 tấm, đến tầm 6 giờ chiều thì pin còn được khoảng 30%. Lúc đó mình quên chụp lại thời gian Screen-On của máy nhưng cảm thấy rất hài lòng vì cả ngày xài máy rất nhiều và còn test camera với các máy khác. Nếu bạn ít ra ngoài, dùng Wi-Fi là chính thì G2 sẽ còn trụ được đến tối trước khi bạn phải cắm sạc cho nó.
Các tính năng đặc biệt
Vì là một chiếc máy Android cao cấp cũng như muốn tách biệt mình với những máy còn lại, G2 được LG cung cấp cho khá nhiều chức năng đặc biệt, bao gồm:
Slide Aside (đọc thêm)
Đây là tính năng liên quan đến chạy đa nhiệm, bạn dùng 3 ngón tay vuốt trên màn hình để chuyển qua lại giữa những app đang chạy. Tính năng này hay vì nó giúp tiết kiệm được số lần nhấn và thao tác trên màn hình của chúng ta. Khi đang trong một app nào đó, bạn dùng 3 ngón tay vuốt lên màn hình từ phải qua trái, app đó sẽ ẩn đi. Bây giờ trong bất kỳ ứng dụng hay màn hình nào, bạn chỉ việc vuốt 3 ngón theo chiều ngược lại thì app đó sẽ lại xuất hiện. Thao tác này nhanh hơn hẳn so với việc dùng nút Home rồi tìm đến ứng dụng đó để mở.
– / 2
KnockON
Đây là tính năng chạm 2 lần lên màn hình để mở máy, tức là chỉ mở màn hình sáng lên để coi giờ và các thông tin khác chứ không phải mở khóa màn hình nhé. Mình thích tính năng này vì nó tỏ ra cực kỳ tiện ích và hữu dụng, đến nỗi bây giờ mình không còn dùng đến phím nguồn để mở máy nữa. Trong đêm tối mình cũng có thể nhấn để mở màn hình nhanh mà không cần phải mò phím cứng.
Hiện nay, ngoài G2 ra thì chiếc Lumia 925 và 1020 cũng có chức năng này. Tuy nhiên G2 hay hơn ở chỗ có thể khóa máy lại bằng hai cái nhấn luôn, còn hai máy kia thì chỉ dùng để mở màn hình mà thôi. Từ màn hình Homescreen, bạn có thể nhấn hai lần lên bất kỳ chỗ trống nào để khóa máy lại, nếu đang ở trong màn hình ứng dụng, bạn cũng có thể khóa máy bằng cách nhấn hai lần lên thanh status bar phía trên màn hình.
Guest Mode
Gọi nôm na là "chế độ cho mượn máy" (nằm trong menu Settings > General > Guest Mode). Bạn có thể cài đặt hai mật khẩu dùng để mở khóa máy (ví dụ như cài 2 pattern unlock khác nhau), một mật khẩu dùng để truy cập vào máy như bình thường, còn mật khẩu kia sẽ chỉ mở được một số app do bạn quyết định, không dùng được các app khác và cũng không mở được thanh Notification luôn). Lưu ý là nó chỉ giới hạn số lượng ứng dụng có thể xài ở chế độ Guest Mode chứ không phải chia dữ liệu của máy ra thành hai khu riêng biệt nhé. Nếu bạn cho phép người ta có thể mở được ứng dụng Gallery thì khi vào app ở chế độ Guest, người ta vẫn có thể xem được những hình ảnh mà bạn đã chụp trước đó.
QuickRemote
Dùng G2 để làm remote TV, máy lạnh, đầu máy các loại... Cái này không mới.
Audio Zoom
Ý tưởng: khi đang quay phim đám đông mà bạn muốn nghe rõ giọng nói của một người nào trong số đó, bạn chỉ việc zoom camera vào người đó thì các micro của máy sẽ tập trung thu âm của người này mà thôi. Ý tưởng thì hay nhưng thực tế thì chưa hiệu quả. Mình đã thử quay phim nhiều lần với chế độ này ở ngoài trời, nhiều gió và cố gắng zoom camera vào người đối diện. Tuy tiếng ồn của gió có giảm đi đôi chút nhưng âm thanh phát ra từ giọng nói của người đối diện vẫn không tăng lên chút nào.
Answer Me
Tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến bằng cách đưa máy lên tai và nghe, không cần nhấn bất kỳ phím nào.
Smart screen
Làm cho màn hình sáng liên tục mà không cần nhấn tay lên, miễn là bạn đang nhìn vào màn hình.
Smart video
Tự động dừng (Pause) video khi bạn quay đầu đi chỗ khác, lúc bạn quay trở lại nhìn màn hình thì video sẽ được tiếp tục chơi. Tính năng này làm việc khá nhạy và có độ hiệu quả rất cao. Bạn chỉ cần hơi nghiêng đầu và nhìn đi chỗ khác thì video sẽ dừng lại ngay lập tức, khi nhìn màn hình trở lại thì video mới chơi tiếp.
Ở phân khúc smartphone cao cấp, bản thân mình thấy G2 chính là chiếc điện thoại đáng mua nhất hiện nay. Nếu bạn hỏi mình tại sao thích G2 thì câu trả lời chỉ có thể là màn hình mà thôi. Dĩ nhiên, xét riêng từng yếu tố thì G2 không thể tốt hơn hết những máy cao cấp khác nhưng đánh giá một cách tổng quan thì G2 vẫn đem lại nhiều sự hài lòng nhất, từ cảm giác cầm cho đến hiệu năng, sức mạnh và các tính năng giải trí.
:: Ưu điểm
Cảm giác cầm thoải mái
Viền màn hình siêu mỏng
Màn hình rất đẹp, chất lượng hiển thị rất tốt
Cách bố trí phím cứng khoa học
Máy chạy nhanh
Camera chụp hình đẹp, nhiều chức năng vui vẻ
Nhiều tính năng đặc biệt hữu ích
Pin ngon (dư dùng trong 1 ngày)
:: Nhược điểm
Vỏ nhựa bám nhiều dấu vân tay
Camera chụp đêm chưa ngon
:: Cấu hình kỹ thuật
BXL: Qualcomm Snapdragon 800, bốn nhân 2.26GHz
Màn hình: 5.2-inch Full HD IPS (1080 x 1920 pixels / 423 ppi)
Bộ nhớ trong: 32GB / 16GB
RAM: 2GB
Camera: Rear 13.0MP chống rung quang học / Front 2.1MP
Pin: 3,000mAh
Kích thước: 138.5 x 70.9 x 8.9mm
Trọng lượng: 143 g
Màu: Đen / Trắng
OS: Android Jelly Bean 4.2.2
Tính năng khác: Plug&Pop, KnockON, Answer me, Text Link, Guest Mode
Post a Comment