Header Ads

test

Một số thông tin về Sailfish OS, hệ điều hành non trẻ hướng đến những trải nghiệm mới lạ

Jolla_Sailfish_OS.
Trong thời gian gần đây đang có một cuộc "cách mạng" trong lĩnh vực hệ điều hành di động. Các nhà sản xuất đã chán việc bị giới hạn bởi ba nền tảng lớn, và người dùng cũng đang muốn tìm kiếm một luồng gió mới. Họ đã chán những bức tường của iOS và Windows Phone, họ cũng bắt đầu lo ngại về hệ điều hành Android mở nhưng vẫn bị kiểm soát từ Google. Chính "bầu không khí" như thế đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều cái tên mới như Firefox OS, Ubuntu, Tizen và Sailfish OS. Trong số những nền tảng mới này thì ba tên tuổi đầu tiên được chống lưng bởi những công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, còn Sailfish OS chỉ do một nhóm nhỏ các lập trình viên phát triển nhưng lại mang trong mình những tham vọng lớn.

Sailfish OS có thể tương đối mới nhưng nhiều ý tưởng xoay quanh nó thì lại không. Hệ điều hành này thực chất được phát triển từ MeeGo OS của Nokia với nhân Linux. MeeGo OS trước đây từng xuất hiện trên chiếc Nokia N9, một sản phẩm có thiết kế rất đẹp hồi năm 2011 và đánh dấu một bước chuyển mình trong phong cách sản phẩm của Nokia. Đáng tiếc rằng thiết bị này đã bị cho nghỉ hưu chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt và thay vào đó, Nokia tập trung toàn lực vào dòng Lumia chạy Windows Phone vốn cũng sử dụng thiết kế của N9.

Nokia-N9-feature.
Nokia N9

Thế nhưng nhiều người làm ra MeeGo vẫn không chịu từ bỏ đứa con của mình, thế là họ nghỉ làm ở Nokia và thành lập nên một công ty riêng với tên gọi Jolla. Ngay sau đó, nhóm lập trình viên này đã gây được quỹ 160 triệu Euro, tức khoảng 227 triệu USD, và bắt tay vào xây dựng Sailfish OS dựa trên MeeGo.

Không cần nhiều đến nút

Vậy tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến Sailfish OS? Đầu tiên, đây là một hệ điều hành mã nguồn mở nên nếu một công ty muốn áp dụng nó lên sản phẩm của mình thì họ sẽ không gặp nhiều khó khăn, cũng như không phải nhiều chi trả tiền bản quyền. Mặc dù là open source đấy nhưng Sailfish OS được phát triển một cách công khai và thực sự "mở" cho mọi người xem chứ không chỉ được viết một cách âm thầm lặng lẽ như những gì Google làm với Android.

Ngoài ra, một điểm mà Sailfish OS khác biệt so với các đối thủ của mình đó là giao diện người dùng. Màn hình chính của hệ điều hành này không chỉ dùng để hiển thị hàng tá icon như Android hay iOS mà nó còn cho bạn thấy các "cửa sổ" tương ứng với những ứng dụng đang mở. Chúng ta cũng có thể tương tác và chuyển qua lại giữa các app với nhau bằng thao tác trượt từ các mép màn hình, giúp việc chạy đa nhiệm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trước đây mình có từng dùng qua N9, nó cũng có tính năng chuyển app đa nhiệm bằng cách trượt ngón tay và đó là một trong những trải nghiệm multitasking tuyệt vời nhất mà mình từng được thử qua trên một chiếc điện thoại.

Thao_tac_Sailfish_OS.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi icon của Sailfish OS đều chứa các thông tin "sống", ví dụ như khi bạn chơi nhạc thì icon của trình phát sẽ hiển thị bài nầo đang nghe. Theo một cách nào đó, chúng ta có thể xem homescreen của Sailfish OS như một sự pha trộn giữa bố cục của BlackBerry 10, khả năng update thông tin của Windows Phone 8 cộng với các widget Android.

Và có thể bạn cũng đã đoán được từ tiêu đề của phần này, rằng Sailfish OS dựa rất nhiều vào các cử chỉ cảm ứng của người dùng để hoạt động chứ không chỉ dùng nút như bình thường. Bạn có thể xem danh sách app bằng cách trượt ngón tay từ dưới lên trên, quay trở lại bằng cách trượt từ phải sang trái hay đóng ứng dụng bằng việc kéo ngón tay từ trên xuống dưới.

Sailfish_OS. ​

Bằng những thao tác như thế, chúng ta có thể xem thông tin cập nhật về mạng xã hội, các thông báo do app gửi ra mà không phải ngừng việc đang làm. Chúng ta cũng có thể mở khóa máy bằng cách chạm hai lần vào màn hình, không cần phải nhấn nút gì cả.

Nói cách khác Sailfish OS là một hệ thống tiết giảm tối đa việc sử dụng nút và menu như những gì chúng ta hay thấy trong Android hay iOS. Nó là một hệ thống hướng đến việc sử dụng tự nhiên và không bắt chước nhiều thành phần đã có hàng chục năm trên máy tính. Việc loại bỏ nút cứng cũng giúp việc sử dụng một tay được dễ dàng hơn so với các nền tảng di động khác và có thể trở thành nhân tố giúp Sailfish OS đứng tách biệt, đặc biệt là trên các máy màn hình lớn.

Hướng đến cá nhân hóa

Sailfish OS tập trung khá nhiều về mặt cá nhân hóa giao diện để phù hợp với mỗi người, nó cho phép chúng ta đổi màu một số thành phần đồ họa để khớp với hình nền hơn. Và đặc biệt, những thay đổi này không chỉ áp dụng với màn hình chính mà còn cho cả các ứng dụng được người dùng cài vào nữa.

Sailfish2-580-90. ​

Ý tưởng cá nhân hóa thậm chí còn được Jolla đẩy đi xa hơn khi họ ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên chạy Sailfish OS (cũng được gọi là Jolla). Vỏ sau của mẫu smartphone này có thể được gỡ ra để thay vào các màu khác, khi đó điện thoại cũng sẽ tự đổi màu UI, hình nền và thậm chí âm thanh thông báo để khớp với nắp lưng. Dữ liệu sẽ được trao đổi giữa phần nắp với thân máy thông qua kết nối NFC. Quả là một ý tưởng thú vị.

Ở điểm này có rất nhiều tiềm năng về mặt marketing cho Sailfish OS, và cũng đã có một mặt lưng Angry Birds đang được Jolla và Rovio phát triển có khả năng thay đổi giao diện của máy theo trò chơi vui vẻ này. Nó thậm chí còn nói cho bạn biết là bạn chưa chơi Angry Birds trong vừa nửa tiếng đồng hồ vừa qua nữa kìa. Bên cạnh đó còn có một cái case iProtoxi với logo phát sáng và nó sẽ đổi màu khi bạn có tin nhắn hay cuộc gọi đến, đồng thời cho phép chúng ta trả lời hoặc chuyển sang chế độ im lặng bằng cách quẹt bàn tay ngang qua vỏ.
jolla_angry_birds_1.

Tương thích với ứng dụng Android

Một trong những điểm sáng và được nhiều người kỳ vọng ở Sailfish OS đó là nó hỗ trợ ứng dụng Android. Vì sao người ta lại kì vọng như thế? Bởi vì trong thời buổi ngày nay, một hệ điều hành di động sống hay chết phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái app đi kèm. Nếu một nền tảng có nhiều tính năng tuyệt vời nhưng số lượng ứng dụng có thể cài thêm lại quá ít thì người dùng sẽ quay lưng lại với nó. Hãy nhìn vào Windows Phone thời kỳ đầu, người dùng từ chối sử dụng các điện thoại loại này bởi vì kho app quá ít ỏi, thiếu quá nhiều ứng dụng cơ bản cho một người dùng smartphone, thế nên họ quay sang Android và iOS để có được một bộ sưu tập app tốt hơn. Mãi sau này khi Microsoft có nhiều chính sách thúc đẩy phần cứng lẫn phần mềm thì Windows Phone Store mới dần cải thiện hơn.

Nhưng Microsoft là một tập đoàn rất lớn với tiềm lực tài chính cực kì mạnh mẽ, chưa kể ảnh hưởng lớn của hãng đối với những nhà sản xuất thiết bị và với cộng đồng lập trình viên trên toàn cầu. Hãng có thể định hướng được sự phát triển cho kho app của mình bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, Jolla chỉ là một công ty rất nhỏ chưa được nhiều người biết đến, cũng không nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các nhà phát triển nội dung hay các tên tuổi phần cứng. Chính vì thế, Jolla chọn một hướng đi an toàn hơn: làm cho Sailfish OS tương thích với ứng dụng Android.

Như vậy, Sailfish không chỉ có kho ứng dụng của riêng mình mà còn có thể truy cập được vào hàng trăm nghìn app Android. Bộ sưu tập phần mềm cho Sailfish bỗng nhiên tăng thành một con số cực kỳ lớn, tương tự như những gì Nokia đã làm với Nokia X. BlackBerry cũng từng thực hiện chiến lược tương tự mặc dù việc chuyển thể ứng dụng thì hơi phức tạp so với người dùng phổ thông. Và bởi vì phần cứng mà Sailfish đòi hỏi có nhiều điểm tương đồng với Android nên các nhà sản xuất có thể đưa nền tảng này vào các thiết kế điện thoại Android sẵn có của mình, tiết kiệm được thời gian và chi phí phát triển. Điều này lợi cả về phần cứng lẫn phần mềm cho Jolla, chưa kể đến việc nó sẽ giúp hãng tiến sâu vào thị trường thiết bị giá rẻ ở các quốc gia đang phát triển, vốn là mục tiêu chính hiện nay của Sailfish OS.

Chưa hết, Tomi Pienimäki, CEO của Jolla còn tiết lộ rằng công ty ông đang có kế hoạch đưa Sailfish lên các thiết bị Android. Pienimäki nói: "Chúng tôi đang kinh doanh cả thiết bị (điện thoại chạy Sailfish) và cũng kinh doanh cả hệ điều hành. Thật sự thì cũng khá dễ để cài Sailfish lên những thiết bị Android. Ở Phần Lan người ta không thường thay đổi hệ điều hành trên điện thoại của mình, nhưng vẫn có rất nhiều người thích làm điều đó ở các nơi khác trên thế giới. Ví dụ như ở Trung Quốc thì chuyện này rất phổ biến. Khoảng phân nửa người dùng smartphone đang tự nâng cấp thiết bị cũ hoặc giá rẻ của mình với phiên bản Android tốt hơn".

Ông nói thêm rằng hiện nay đã có sẵn những trang web chuyên cung cấp OS cho người dùng, và "khách hàng Trung Quốc đã quen với điều này nên chúng tôi không cần phải chỉ họ phải làm như thế nào. Chúng tôi chỉ việc đưa Sailfish lên những website đó, và cũng cần đảm bảo Sailfish có thể chạy trên nhiều loại thiết bị Android khác nhau". Đáng tiếc rằng Pienimäki không tiết lộ khi nào thì điều này sẽ xảy ra.

Không giống bất kỳ thứ gì khác

Cũng phải nhìn nhận rằng đây chỉ mới là giai đoạn sơ khai đối với Sailfish OS và còn rất nhiều việc mà Jolla phải làm. Để thật sự đứng ra riêng và nổi bật giữa một thị trường đông đúc, Sailfish OS cần làm được nhiều thứ hơn chứ không chỉ là một thứ để chạy app Android. Trước mắt, giao diện và cách tương tác đang là thứ giúp Sailfish OS tách biệt, và thật sự thì nó cũng đã phản ánh câu khẩu hiệu "Không giống bất kì ai" của Jolla. Chúng ta sẽ không còn phải nhấn quá nhiều nút, mà thay vào đó là những cử chỉ trượt, quét ngón tay rất tự nhiên và có phần nhanh hơn. Nó hứa hẹn mang lại một trải nghiệm mới cho người dùng smartphone vốn đang dần ngán kiểu tương tác cũ.
Jolla phone-580-90. ​
Sailfish OS cũng rất linh hoạt. Nó không chỉ được dùng trên smartphone mà còn có thể được đem lên tablet, PC, TV và nhiều hơn thế nữa. Biết đâu một ngày nào đó các công ty sản xuất điện tử thấy được tiềm năng của Sailfish và chọn dùng nó một cách rộng rãi thì sao?

Như vậy là Sailfish OS có khá nhiều điểm tốt: kho app có, giao diện đẹp và lạ có, khả năng ứng dụng lên nhiều thiết bị cũng có. Nhưng quan trọng nhất đó là Jolla phải làm sao để xây dựng được sự hứng thú và "thèm muốn" từ phía người dùng, vốn là một điều không hề dễ dàng và cũng có khả năng trở thành rào cản đầu tiên để Sailfish OS tiến ra thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại thì Sailfish OS vẫn chưa xuất hiện nhiều bởi mới chỉ có 1 chiếc điện thoại duy nhất chạy hệ điều hành này được bán ra, và nó cũng do chính Jolla đi đặt hàng sản xuất. Việc mua máy cũng không dễ dàng bởi hiện smartphone Jolla chỉ bán ở Phần Lan và các nước Châu Âu. Quá trình tích hợp bộ máy Android thì đang trong giai đoạn xây dựng nên Jolla chưa thể dùng lợi thế này để quảng bá cho sản phẩm của mình. Có lẽ phải mất vài tháng, thậm chí cả năm nữa thì Sailfish OS mới có thể dần dần xuất hiện phổ biến.

Kết

Càng nhiều hệ điều hành xuất hiện trên thị trường thì càng tốt, ít nhất là với người dùng như anh em Tinh tế bởi chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho việc sử dụng thiết bị của mình. Hi vọng Jolla có thể thuyết phục được các nhà sản xuất đưa Sailfish OS lên những smartphone, tablet để chúng ta có cơ hội được chạm tay vào những sản phẩm mới và tiếp cận với các trải nghiệm mới lạ. Nếu có tin tức gì mới hơn về Sailfish OS, Tinh tế sẽ tiếp tục cập nhật cho các bạn nhé.

Tham khảo TechRadar

Không có nhận xét nào