Header Ads

test

Nguyên nhân và cách khắc phục thiết bị Android chạy chậm

Có lẽ Android đang là hệ điều hành di động bị phàn nàn là "chậm, giật" nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Nhiều người dùng đã gặp phải hiện tượng thiết bị Android trở nên chậm chạp, nặng nề sau một thời gian sử dụng. Sau đây là một số lý do chính được ghi nhận.

Smartphone Android là những thiết bị tuyệt vời, có thể thực hiện rất nhiều công việc nhờ mã nguồn mở. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà hầu hết các vấn đề liên quan đến hệ điều hành này đều xuất phát từ sự hiểu biết chưa đầy đủ về Android. Sau đây là một sô lí do khiến thiết bị Android của bạn chậm đi trông thấy sau một thời gian sử dụng.
1. Hệ điều hành được nâng cấp chậm và các ứng dụng ngày càng nặng hơn
Đa phần, điện thoại Android của bạn không còn dùng hệ điều hành và phần mềm như khi vừa mới mua, đó cũng là lí do khiến máy chạy chậm hơn. Tất cả smartphone đều cần có sự hỗ trợ của nhà mạng và nhà sản xuất để nâng cấp nhưng chính điều này khiến thời gian cập nhật sẽ bị kéo dài khi đến tay người dùng. Một phần là do nhà sản xuất phải đưa ra những thay đổi phù hợp với thiết kế riêng của từng mẫu điện thoại, sau đó phải được nhà mạng thông qua những cập nhật này. Vì thế, quy trình cập nhật của smartphone Android thường bị chậm trễ và kéo dài theo chu kỳ từ 6 đến 9 tháng.

Cụ thể, khi người dùng nhận được các bản cập nhật hệ điều hành Android nhưng những bản cập nhật này không được tối ưu hóa cho các thiết bị khác nhau dẫn đến tình trạng suy giảm hiệu năng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất khi tiến hành cập nhật Android cũng đã bổ sung thêm nhiều ứng dụng rác (không thực sự cần thiết hoặc thậm chí không được sử dụng) khiến smartphone hay tablet Android phải "gánh" nhiều tác vụ nền hơn gây tốn pin đồng thời làm hiệu suất tổng thể giảm xuống.
Ngay cả khi chưa từng cập nhật cho smartphone hay tablet của mình, các ứng dụng trên thiết bị Android của bạn cũng đã được cập nhật lên các phiên bản mới và dường như chúng đang dần dần ngày càng “nặng” hơn. Nhằm phát triển những ứng dụng, phần mềm theo kịp xu hướng cũng như mang lại những trải nghiệm mới đến với người dùng, các nhà phát triển sẽ nâng cao yêu cầu phần cứng, đòi hỏi chúng phải nhanh hơn, đồng thời cũng sẽ ưu tiên tối ưu cho các sản phẩm mạnh mẽ mới ra mắt. Vì thế chúng hoạt động kém hơn trên các thiết bị cũ. Đây là tình trạng thường xảy ra trên tất cả mọi nền tảng chứ không riêng gì Android.

Giải pháp: Với vấn đề này, không có nhiều giải pháp. Tuy nhiên nếu hệ điều hành chạy chậm, bạn có thể muốn cài đặt ROM tuỳ chỉnh như của CyanogenMod - một cộng đồng xây dựng phát triển ROM dành cho Android. Các bản ROM này giúp tăng cường các chức năng và khả năng tùy chỉnh của một thiết bị Android vì CyanogenMod được tối ưu hóa cao và không có các ứng dụng rác đi kèm. Ngoài ra, khi cảm thấy ứng dụng mình đang sử dụng chạy chậm đi sau khi nâng cấp, bạn có thể tìm đến các ứng dụng khác có cùng chức năng để thay thế.
2. Các ứng dụng chạy nền
Có thể trong số các ứng dụng mà bạn đã cài trong quá trình sử dụng máy, một số ứng dụng sẽ tự động khởi động khi bạn mở máy và chạy cùng hệ điều hành (startup) hoặc chạy dưới nền, gây tiêu tốn CPU và RAM không cần thiết. Khi cài quá nhiều ứng dụng dạng này, thiết bị Android của bạn sẽ trở nên "ì ạch". Trên Android, chế độ đa nhiệm được thực hiện đầy đủ, do đó các ứng dụng chạy nền sẽ tốn nhiều tài nguyên phần cứng hơn iOS.
Ngoài ra, hình nền động và quá nhiều widget cũng sẽ làm tốn tài nguyên xử lý, đồ họa và RAM. Mỗi tiện ích (widget) mà bạn đặt ra ngoài màn hình được hỗ trợ bởi một dịch vụ. Nếu bạn dùng khoảng 5 widget, hãy chào tạm biệt 20 MB bộ nhớ hoặc hơn. Đó là chưa kể đến hình nền động (live wallpaper), chúng thường chiếm khoảng 10-20 MB. Như vậy trước khi chạm vào màn hình sau khi máy khởi động máy, đã có 160 MB RAM tuột khỏi tay bạn. Hãy thử đơn giản hóa màn hình home của mình đến hết mức có thể và bạn sẽ thấy tốc độ của máy sẽ được cải thiện.

Kể cả khi chúng ta biết rõ những ứng dụng nào đang "ăn pin" thì lựa chọn giữa các tính năng thực sự cần thiết và các tính năng có thể tắt được cũng không hẳn là một công việc đơn giản. Có một số tính năng bạn hoàn toàn không thể tắt đi được. Chẳng hạn như ứng dụng "Phone" vì xét cho cùng, nhiệm vụ quan trọng nhất của một chiếc smartphone cũng là nghe và gọi.
Để kiểm soát điều này, hãy thường xuyên kiểm tra các ứng dụng đang chạy dưới nền. Đầu tiên vào mục Apps trong Settings và chọn mục Running. Bạn có thể chọn dừng từng ứng dụng chạy nền, song tốt nhất hãy gỡ bỏ các ứng dụng chạy nền không sử dụng tới. Ngoài ra, nếu không thể gỡ bỏ các dịch vụ hệ thống được cài đặt sẵn trên máy thì bạn vẫn có thể sử dụng tùy chọn Disable thay vì Force Stop. Khi một ứng dụng này bị vô hiệu hóa, chúng sẽ không hoạt động ở chế độ nền và giải phóng sức mạnh phần cứng cho thiết bị của bạn.

Giải pháp: Hãy vô hiệu các wallpaper, gỡ các widget và gỡ hoặc vô hiệu những ứng dụng nặng mà bạn không dùng. Mặt khác, cũng cần cân nhắc sử dụng ứng dụng task manager vì chúng còn đang gây nhiều tranh cãi vì tính hiệu quả
3. Hệ thống file và bộ nhớ quá tải
Hệ điều hành Android có 3 loại bộ nhớ chính: RAM (để chạy các chương trình), lưu trữ ứng dụng (để chứa các ứng dụng có sẵn hoặc được tải về) và thẻ nhớ SD (lưu trữ nhạc, ảnh và đóng vai trò lưu trữ phụ). Một vài thiết bị còn có thẻ SD trong (internal SD) và SD ngoài (external SD), chúng sẽ có tên thư mục lần lượt là "sdcard" và "sdcard-ext".
Quản lý RAM là vấn đề rất phức tạp ở Android, bởi hệ điều hành này dựa trên nhân (kernel) Linux có cơ chế hoạt động phức tạp. Khi làm quen với Android, chúng ta sẽ biết đến khái niệm launcher. Tùy vào các launcher khác nhau, chúng thường lấy mất đi khoảng 8-30 MB bộ nhớ RAM hệ thống. Không chỉ vậy, rất nhiều ứng dụng được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau, phần ngoài được gọi là quy trình (process) và phần trong được gọi là dịch vụ (service). Tùy từng cơ chế hoạt động khác nhau, một ứng dụng chỉ vài trăm KB cũng có thể chiếm ít nhất 3 MB bộ nhớ, thậm chí nhiều hơn nhiều.

Hãy truy cập vào mục quản lý dịch vụ, bạn sẽ thấy mỗi dịch vụ chiếm từ 2-5 MB, một số từ 15 MB trở lên. Như vậy các ứng dụng không còn nhiều bộ nhớ để sử dụng, đặc biệt nếu các dịch vụ trên được mở thường xuyên. Bạn càng chạy nhiều ứng dụng (hoặc chúng tự động chạy) đồng nghĩa bộ nhớ hệ thống bị chiếm dụng ngày càng nhiều. Ngoài ra, các tập tin cache có thể tiêu thụ khá nhiều không gian lưu trữ nếu được phép phát triển một cách thoải mái, không bị kiểm soát. Vì vậy việc xoá hết các file cache có thể giải phóng bộ nhớ lưu trữ và giúp hệ thống file của bạn hoạt động tốt hơn. Để xóa dữ liệu lưu trữ cùng lúc cho tất cả các ứng dụng, hãy mở phần Cài đặt ứng dụng, vào phần Storage, di chuyển xuống, vào phần dữ liệu Cached, và bấm OK.

Giải pháp: Lại một lần nữa, dọn dẹp ổ cứng của máy sẽ giúp máy chạy nhanh hơn. Gỡ bỏ các ứng dụng bạn không dùng, xoá các file bạn không cần và dọn sạch các file cache để giải phóng bộ nhớ. Hầu hết các ứng dụng hiện nay đều có một service chạy ngầm đi kèm, và nó sử dụng khoảng vài MB bộ nhớ, kể cả khi không chạy. Google Maps có dịch vụ Places thỉnh thoảng khởi chạy kể cả khi bạn không dùng Maps. Youtube cũng thường xuyên load dịch vụ widget, mặc dù bạn không sử dụng. Khi bạn thoát ra ngoài một ứng dụng nào đó, dịch vụ đi kèm theo chúng không đồng thời ngừng chạy. Hãy tự tay tắt chúng, bấm vào bất cứ dịch vụ nào để tắt và nhường chỗ cho những thứ khác. Nếu bạn ít dùng thì tốt nhất là xóa hẳn nó đi.
4. Ổ SSD không hỗ trợ TRIM
TRIM là một lệnh mà hệ điều hành sẽ cung cấp cho bộ điều khiển (controller) SSD hoặc chip nhớ eMMC biết ô nhớ nào không còn được sử dụng và có thể xóa trước để việc ghi dữ liệu diễn ra nhanh hơn. Trong thế giới của ổ lưu trữ thể rắn (SSD hay eMMC), việc xóa một file không có nghĩa là file đó đã biến mất hoàn toàn. Nó biến mất ở khía cạnh người dùng và hệ điều hành, tuy nhiên bộ điều khiển vẫn đối xử với các ô nhớ như là một phần có chứa dữ liệu. Ví dụ, bạn chép 3 GB phim vào bộ nhớ trong của điện thoại, xem, sau đó xóa chúng. Khi đó, dung lượng bộ nhớ trống của bạn tăng thêm 3GB, tuy nhiên chỉ khi nào các khối nhớ đã bị ghi đè lên bởi dữ liệu khác thì bộ điều khiển SSD/eMMC mới xem đây là các ô trống thật sự.

Để giải quyết chuyện đó, TRIM xuất hiện với nhiệm vụ thiết lập một đường liên lạc giữa tập tin hệ thống với bộ controller của SSD/eMMC. Khi một khối nhớ được TRIM, một tín hiệu sẽ được gửi đến controller để nói rằng "khối nhớ đó trống rồi, không cần theo dõi nữa". Sau đó, một controller sẽ lên lịch trình dọn dẹp các khối nhớ này để tăng hiệu năng và giảm thời gian cần thiết khi ghi dữ liệu mới. Tất nhiên, bộ điều khiển phải đủ tốt để có thể thực hiện việc này, còn việc kích hoạt TRIM ở mức hệ điều hành chỉ là bước đầu.
TRIM cho phép cải thiện tốc độ của các tác vụ ghi dữ liệu hiện tại chỉ có trên các ổ SSD. Việc thiếu hỗ trợ TRIM là nguyên nhân chính khiến tablet Nexus 7 của Google chậm dần theo thời gian. Lỗi này đã được xử lí trong bản cập nhật Android 4.3, bổ sung hỗ trợ TRIM. Trên các thiết bị Nexus, Android 4.3 sẽ giải quyết vấn đề này.

Giải pháp: Nếu bạn dùng thiết bị cũ hơn mà không chạy Android 4.3 và máy chậm dần theo thời gian, bạn có thể thực hiện TRIM bằng cách root máy và dùng ứng dụng LagFix. Ứng dụng này chạy lệnh fstrim tương tự như Android 4.3 trong chế độ nền. Các thiết bị chạy Android 4.3 và các phiên bản Android mới hơn đã hỗ trợ TRIM nên bạn có thể yên tâm về điều này.
Tham khảo: HowToGeek

Không có nhận xét nào