Header Ads

test

ASUS Fonepad Note 6: pin lâu, bút cảm ứng và phần mềm ghi chú tuyệt vời

tinhte.vn-fonepad-6-500. ​

Fonepad Note 6 là một chiếc phablet Android có cấu hình cao và hiệu năng khá tốt. ASUS đã tập trung khá nhiều sức mạnh vào máy này với chip Intel Atom hai nhân 2GHz, màn hình 6" Full-HD và thậm chí còn trang bị luôn cả bút cảm ứng được lực nhấn và phần mềm ghi chú nhiều chức năng. Sau khiđánh giá và xem xét về cấu hình và chức năng, mình thấy Fonepad Note 6 xứng đáng là một đối thủ đáng gờm với Galaxy Note II vì cả hai đều đang có cùng mức giá bán là 9,9 triệu đồng.

Bài đánh giá được thực hiện trên một chiếc Fonepad Note 6 chính thức và chạy Android 4.2.2 (mới nhất lúc này là Android 4.4).
Để viết tắt Fonepad Note 6 cho gọn cũng như tránh sự hiểu lầm với dòng máy Galaxy Note của Samsung, mình sẽ ghi là Fonepad 6 trong bài viết này.

Cấu hình chi tiết ASUS Fonepad Note 6:

  • Hệ điều hành: Android 4.2.2
  • CPU: Intel Atom Z2580, hai nhân 2GHz
  • GPU: PowerVR SGX544MP2
  • RAM: 2GB
  • Màn hình: Super IPS+ LCD, 6" độ phân giải Full-HD, ~367 ppi
  • Bộ nhớ trong: 16/32GB
  • Thẻ nhớ: microSD
  • Camera sau: 8MP, AutoFocus, không có đèn Flash, quay phim Full-HD@30fps
  • Camer trước: 1.2MP, quay phim 720p
  • Kết nối: 3G, Wi-Fi n, BT 3.0, NFC, microUSB, A-GPS, GLONASS
  • Kích thước: 164,8 x 88,8 x 10,3 mm
  • Nặng: 210 gram
  • Pin: 3200mAh
tinhte.vn-fonepad-6-20.
HIỆU NĂNG
Fonepad 6 dùng chip Intel Atom Z2580, điều này không mới nhưng lại hiếm vì đa số các máy Android khác đều chạy trên chip của Qualcomm. Atom Z2580 có hai nhân xử lý bên trong, mỗi nhân có xung nhịp 2GHz, tích hợp chip đồ họa PowerVR SGX544MP2 và 2GB RAM.

Mặc dù màn hình của máy lên tới 6", độ phân giải đạt mức Full-HD nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để làm khó con chip Z2580 này. Máy chạy khá nhanh và mượt trong hầu hết các tác vụ cơ bản như mở ứng dụng, lướt web nặng, chụp hình, chuyển ứng dụng, chạy đa nhiệm… mọi thứ đều được xử lý khá nhanh. Thử vào xem các bài viết có nhiều hình và video như camera.tinhte.vnFlickrDailymail... thì thấy Fonepad 6 vẫn còn chạy khá khỏe.

Máy lướt web nhanh, khi mở một số trang full-size (không phải web dành cho di động), máy vẫn có tốc độ mở trang và lướt web tốt. Dùng ngón tay zoom ra zoom vào trên website đó thì mặc dù vẫn có hiện tượng giật (do trang web có bố cục rắc rối làm máy render không kịp) nhưng xét chung về tốc độ thao tác thì máy không hề chậm chạp chút nào.

tinhte.vn-note-6-web. ​

Tốc độ xử lý trong camera cũng nhanh, kể cả trong môi trường ánh sáng yếu. Thông thường khi chĩa camera vào những nơi tối ví dụ như gầm bàn hay góc phòng thì hầu hết các máy tầm trung và phổ thông đều sẽ có hiện tượng giật rất nhiều do máy xử lý ánh sáng và bắt nét không kịp, làm máy chậm đi và người cầm máy là chúng ta cũng cảm thấy bực bội. Trong khi đó với Fonepad 6 thì điều này hoàn toàn không có. Máy xử lý các khung hình và bắt nét rất nhanh mặc dù mình đang ở trong phòng tối, tắt đèn và chỉ có một chút ánh nắng le lói hắt xuyên qua từ tấm rèm cửa sổ. Khi lia camera máy cũng không bị giật, khi chạm để lấy nét thì máy cũng bắt rất nhanh nhưng ngặt nỗi tốc độ chụp hơi chậm. Sau khi bấm nút chụp, máy mất khoảng 2 giây để lưu một tấm ảnh.

Chuyển sang chơi game và thử trò Asphalt 8. Trò này thuộc dạng đua xe, sử dụng đồ họa 3D với rất nhiều các hiệu ứng âm thanh và kỹ xảo đồ họa, đủ nặng để thử sức với bất kỳ chiếc smartphone trung cấp lẫn cao cấp nào. Sau khi chơi được khoảng 10 phút, mình quyết định không chơi nữa vì một điều dễ hiểu là chơi game không mượt. Số khung hình/giây trung bình ở mọi thời điểm đều dưới mức chuẩn 30fps nên các cảnh chuyển động còn hơi cứng và hay bị khựng. Mặc dù tình trạng khựng và tuột khung hình diễn ra không nhiều đến nỗi không chơi được nhưng tình trạng này xảy ra xuyên suốt quá trình chơi nên cảm giác đua xe cũng không được thoải mái cho lắm. Còn các game 2D thông thường, các game chiến thuật, thủ tháp, chạy bản đồ… thì bình thường, không có gì là nặng nhọc cả.

tinhte.vn-fonepad-6-30.

Dưới đây là kết quả benchmark của Fonepad 6 cùng với một số máy khác mà mình đã benchmark gần đây. Kết quả của chip Intel Atom Z2580 không tạo ra nhiều khác biệt so với các máy trung cấp khác như Nexus 5, HTC One mini, Moto X hay Find 5 mini. Mặc dù điểm số của máy có phần nhỉnh hơn một chút so với các máy đó nhưng nếu đem so với những máy cao cấp hơn như LG G2, Optimus Vu 3 hay Xperia Z1 thì vẫn còn đó một khoảng cách khá dài.

tinhte.vn-bench-note-6.

THIẾT KẾ
Dày và thô, đó là hai từ mà bạn sẽ nghĩ tới khi cầm Fonepad 6. Mặc dù có thể du di vì màn hình của máy lên tới 6" nhưng bên cạnh đó ASUS đã vướng phải một số điểm chưa tốt về mặt thiết kế làm cho mình cảm thấy hơi bị dội ngày từ lần đầu cầm máy lên.

Viền màn hình khá dày làm cho ta có cảm giác chiếc máy hơi cục mịch. Nhìn kỹ từ bốn cạnh bạn sẽ thấy thân máy được ghép lại từ hai phần: phần vỏ bên dưới và phần khung viền ở bên trên. Hai phần này kết nối không đồng nhất với nhau, trong khi phần vỏ bên dưới hơi nhô ra và bo cong xuống mặt dưới thì phần khung phía trên lại được cắt vát xiên hướng thẳng vào bên trong màn hình. Kết quả làm cho khi nhìn từ mặt trước, bạn sẽ thấy rõ ràng là có đến hai cái viền hợp lại với nhau. Phần khung viền thậm chí còn mở rộng ra to hơn ở hai phía trên và dưới màn hình.

Ngoài ra, hai loa ngoài nằm ở mặt trước (trên và dưới màn hình) cũng góp phần làm cho chiếc máy trở nên xấu đi. Chúng là hai mảnh giống như kim loại được khoét xuống mặt kính, tạo ra thêm hai đường rãnh màu đen với chất lượng hoàn thiện không mấy cao (chưa khít).

Mặt sau của máy được làm bằng nhựa, mịn, nhìn có cảm giác nhám, không bóng và quan trọng là không bám dấu tay lẫn mồ hôi tay. Cảm giác áp tay vào mặt lưng khá thích vì nó tạo cảm giác mềm mại rất dễ chịu.

Về cảm giác sử dụng thì mình vẫn coi Fonepad 6 là một chiếc điện thoại bởi vì vẫn nhét túi quần được và cầm nghe gọi OK, mặc dù khi đút túi quần thì máy cộm ra rất nhiều.

Nhìn chung, cái nhìn đầu tiên của người dùng đối với một chiếc máy là rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng đến quyết định có chọn mua máy hay không. Trong khi kết hợp những yếu tố nói trên lại, bao gồm viền to, khung thô, loa ngoài xấu, Fonepad 6 lại dễ gây ra ấn tượng không mấy đẹp cho người dùng. Đó cũng chính là lý do tại sao mình không đưa phần đánh giá về thiết kế lên đầu bài như mọi khi.

MÀN HÌNH
Máy sử dụng công nghệ màn hình IPS, kích thước 6" độ phân giải Full-HD nên hiện tượng bể chữ hay hình ảnh bị rổ là hoàn toàn không thấy được (mật độ điểm ảnh ~367 ppi, cao hơn mức mà mắt người có thể nhìn thấy các điểm ảnh).

Kích thước màn hình 6" là khá thoải mái cho chúng ta làm nhiều thứ, bạn có thể lướt web full-size mà không cần phải zoom nhiều, đọc báo được nhiều hơn, chơi game hoành tráng hơn và xem phim cũng đỡ mỏi mắt hơn.

tinhte.vn-fonepad-6-27.

Màn hình Fonepad 6 cho chất lượng hiển thị khá tốt vì theo đánh giá chung trên các yếu tố như màu sắc, độ sáng, độ bão hòa màu sắc, độ chi tiết của ảnh, góc nhìn… thì máy gần như thể hiện tốt các tiêu chí sử dụng cơ bản. Trừ khi bạn có những thói quen kỳ quặc hay yêu cầu thật đặc biệt nào đó về chất lượng ảnh, còn ngoài ra mình thấy hài lòng với chất lượng màn hình của chiếc Fonepad 6 này.

Màn hình Fonepad 6 có độ bão hòa màu sắc rất tốt trong điều kiện bình thường, màu sắc thể hiện chính xác, cũng lên được khá nhiều chi tiết ảnh và màu đen thì rất trong, rất đẹp. Tuy nhiên khi zoom màn hình kỹ lên một chút thì mình thấy thực chất màu sắc trên Fonepad 6 hơi nhạt hơn vài % so với màu sắc thực tế, chủ yếu là sắc màu hồng (màu da người), các màu còn lại thì gần như bình thường. Trong Fonepad 6 có một ứng dụng nhỏ tên là Splendid dùng để cân chỉnh lại màu sắc của màn hình (nhiệt độ màu, tăng giảm độ bão hòa), nếu muốn thì bạn có thể dùng nó để tăng Saturation của màn hình lên một chút ít để màu hồng nhìn đậm hơn, nhưng hãy cẩn thận vì các màu khác cũng sẽ đậm lên theo chứ không riêng gì màu hồng đâu.

Điểm chưa đẹp thứ hai mà mình phát hiện ra trong lúc soi đó là ảnh bị cháy nhiều hơn. Ví dụ những khu vực như gương mặt hay cánh tay, thực tế trong hình của mình những chỗ đó chỉ bị cháy nhẹ, nhưng khi xem trên Fonepad 6 thì chúng bị cháy nhiều hơn, mất gần hết các chi tiết. Nhắc lại chỗ này là bạn phải soi mới thấy, hoặc trên những vùng ảnh lớn thì bạn sẽ dễ thấy hơn, còn những chi tiết ảnh bị cháy (do nắng) nhỏ quá thì sẽ không mấy khác biệt.

Bên cạnh đó, màu đen của máy thì lại rất trong trẻo và mịn. Mặc dù tấm nền của máy là loại IPS nhưng mình có cảm tưởng giống như đang xem trên một màn hình Super AMOLED bởi màu đen quá đen. Thử lướt qua một số trang web dùng kiểu nền đen-chữ trắng ví dụ như dpreview.com, bạn sẽ thấy màn hình giống như hòa lẫn với khung máy, từ đó góp phần làm cho những dòng chữ trắng nổi lên rất là nhiều.

Sau cùng là một ưu điểm của công nghệ màn hình IPS: góc nhìn rộng. Khi nhìn từ các phía không phải từ trực diện thì chất lượng hình ảnh sẽ gần như được giữ nguyên, ít có sự thay đổi về độ sáng lẫn màu sắc.

PIN - NHIỆT ĐỘ
Pin của Fonepad 6 có dung lượng 3.200mAh, có thể nói là khá cao so với các phablet cùng cấp khác. Điều kiện sử dụng của mình như sau: gắn SIM, bật 3G, Wi-Fi, độ sáng màn hình Auto, một tài khoản Gmail, một Facebook và luôn bật chế độ tiết kiệm pin của ASUS (Smart Saving).

Mình ít nghe gọi nhưng gửi nhận email rất nhiều và Facebook thì báo Notification liên tục, máy có để qua 1 đêm không sạc, trong quá trình đánh giá có dùng vào khá nhiều việc nhưng chủ yếu là chơi game (tổng cộng khoảng 1 tiếng) và lướt web rất nhiều. Lúc kiểm tra thì được kết quả như sau (xem trong Settings > Battery): máy chạy được 1 ngày, 9 tiếng, 9 phút và pin còn lại là 17% (tổng thời gian mở màn hình là 2 tiếng 36 phút).

Máy tỏ ra khá mát trong suốt quá trình sử dụng, có lẽ nhờ có thiết kế dày mà ASUS đã tận dụng được nhiều không gian làm mát bên trong, giúp lưu thông nhiệt hiệu quả và người dùng cũng ít thấy nóng tay hơn.

tinhte.vn-note-6-1. ​

KHẢ NĂNG GHI CHÉP VỚI BÚT CẢM ỨNG
Fonepad 6 được trang bị bút cảm ứng và phần mềm ghi chú rất mạnh mẽ, tương tự như phần mềm S Note của Samsung. Có thể nói đây là hai phần mềm ghi chú trên điện thoại làm mình ưng ý nhất cho đến thời điểm hiện nay.

tinhte.vn-fonepad-6-26.

Về bút
Bút của Fonepad 6 được nhét ở mặt lưng của máy, đặt phía góc nên cũng dễ lấy ra. Bút làm bằng nhựa, có nút cứng, có thể cảm nhận được lực nhấn của nét bút, trọng lượng nhẹ và đủ dùng, không quá bé. Khi kéo bút ra thì bên ngoài Homescreen sẽ xuất hiện thêm một trang mới với cái widget SuperNote to đùng, đưa ra 9 kiểu giấy cho bạn chọn để viết.

tinhte.vn-note-6-widget. ​

Ngoài cái widget đó ra thì sát bên cạnh trái màn hình còn có một cái nút màu xanh nhỏ (chức năng Instant Page), bạn giữ nút đó rồi kéo hết sang cạnh phải màn hình sẽ thấy xuất hiện thêm một cái lớp caro nằm chồng lên màn hình hiện tại (có thể kích hoạt ở bất cứ đâu, màn hình, menu, app…) Mục đích của khu vực này là cho phép bạn ghi chú trực tiếp lên màn hình tương tự như phím QButton của các máy LG.

tinhte.vn-note-6-6. ​

Về phần mềm ghi chú
Khả năng ghi chú của Fonepad 6 rất đã, không thua kém gì S Note của Samsung và tất nhiên là hơn hẳn phần mềm ghi chú của những máy LG (xin lỗi các chú LG Vu, mặc dù phần cứng của anh tốt nhưng phần mềm thì hơi đơn diệu).

Ghi chú bằng Instant Page và SuperNote
Mình thích Instant Page vì nó có nhiều ngòi bút khác nhau và cho phép nhận biết được lực nhấn mạnh nhẹ của ngòi bút. Có nghĩa là bạn có thể tạo ra những nét chữ thanh mảnh, đậm nhẹ rất điệu nghệ, phù hợp để vẽ vời lẫn ký tên. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là bạn không thể dùng tính năng đó trong SuperNote.

SuperNote thiên về tính năng ghi chép văn bản hơn, bạn có thể dùng bút để ghi nhưng sẽ không thể hiện được nét đậm nét lợt như bên Instant Page. Bù lại nó cũng có khá nhiều cái hay, ví dụ như:
  • Nhận dạng chữ viết tay chính xác 101%. Tại sao là 101%? Cái này mình nói vui thôi bởi vì ở chế độ mặc định, mọi chữ bạn ghi chép trên màn hình sẽ được máy thu nhỏ lại và sắp xếp ngay ngắn trên màn hình theo từng dòng một mà không hề có sự nhận dạng chữ viết ở đây. Máy sẽ lưu giữ lại chính nét chữ đó của bạn và xếp thành dòng, bạn ghi thế nào thì nó lưu thế ấy, đảm bảo không thể nào sai. Chế độ này thích hợp cho các ghi chú cá nhân ví dụ như nhắc nhở, ghi chú nhanh.
  • Chế độ thứ hai là nhận dạng chữ viết tay. Cái này thì quen thuộc rồi, bạn ghi ra, sau đó máy sẽ nhận dạng đó là ký tự gì và nhập vào máy ký tự đó. Chế độ này không thoải mái như cái trên nhưng bù lại bạn sẽ có một văn bản gồm những ký tự mà máy hiểu được, có thể Copy/Paste văn bản qua các ứng dụng khác để dùng.
tinhte.vn-note-6-7. ​

Dù cho ở chế độ nào thì bạn cũng có thể tì bàn tay lên màn hình để viết. Khi bạn để đầu bút cách màn hình khoảng vài cm thì trên màn hình sẽ hiện ra một dấu tròn nhỏ, lúc này máy sẽ chỉ nhận cảm ứng của ngòi bút chứ không nhận của bất cứ thành phần nào khác, kể cả ngón tay. Và với kích thước màn hình lên tới 6", bạn có thể tì tay lên đó và viết một cách khá thoải mái.

Ngoài ra, cây bút của Fonepad 6 còn có nhiều tính năng nho nhỏ khác ví dụ như xem trước thông tin Album ảnh khi để đầu bút gần chạm màn hình, nhấn nút cứng trên bút để crop hình…

CAMERA
Camera của Fonepad 6 có khá nhiều tính năng hay, ngoài việc tạo hiệu ứng màu mè cho ảnh còn có thêm những tính năng độc như tạo hình GIF động, xóa chủ thể dư thừa ra khỏi bức ảnh, chụp hình nhóm (tất cả đều cười) và một số tính năng thường thấy như chụp HDR, chụp mịn da, Panorama, chụp liên tục 100 tấm. Về tốc độ, camera chạy nhanh, lấy nét nhanh nhưng tốc độ lưu ảnh lại hơi chậm (2 giây cho mỗi bức ảnh).

Dưới đây là một số ảnh chụp từ Fonepad 6:


KẾT LUẬN
Đánh giá về chức năng, mình rất hài lòng ở Fonepad 6 với các lợi điểm: máy chạy nhanh, đa nhiệm tốt, có bút cảm ứng với các tính năng nhập liệu tuyệt vời và pin ngon. Tuy nhiên, kiểu dáng không mấy đẹp cộng với thân hình to, dày sẽ làm cho nhiều người đắn đo trước quyết định có nên mua một chiếc máy như vậy hay không.

Nhìn chung, với cái giá 9,9 triệu thì Fonepad 6 thật sự là một đối thủ đáng gờm, đáng để chúng ta phân vân khi so sánh với Galaxy Note 2 cũng có cùng mức giá. Cả hai đều có bút stylus có thể cảm nhận lực nhấn của tay, có phần mềm ghi chú tuyệt vời và cấu hình cũng ngang ngửa nhau.

Ưu điểm
  • Màn hình đẹp, Full-HD.
  • Vỏ không bám dấu tay và mô hôi tay.
  • Máy chạy nhanh, đa nhiệm tốt, hiệu năng tốt.
  • Pin lâu, máy không quá nóng.
  • Có bút cảm ứng, cảm nhận được lực nhấn.
  • Phần mềm ghi chú nhiều chức năng.
  • Camera nhiều chức năng hay.
Nhược điểm
  • Máy dày, thô
  • Không dùng được tính năng cảm nhận lực nhấn của bút trong phần mềm SuperNote.
  • Chip xử lý không tạo ra nhiều khác biệt về sức mạnh so với những chiếc máy cùng cấp khác.
  • Thời gian lưu ảnh lâu.
  • Camera không có đèn Flash.

Không có nhận xét nào